Skip to main content
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Chế độ ban đêm In trang Xuất PDF Đọc nội dung
-A A +A

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH TƯ PHÁP

Phần thứ nhất

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

    1. Ngành Tư pháp trong giai đoạn 1945 - 1960

   Ngay sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.

    Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tháng 01/1946, Nghị viện (Quốc hội) đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Ông Vũ Đình Hoè được bầu làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tại địa phương, theo Thông lệnh số 12/NV-CT ngày 29/12/1946 về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt ở mỗi Khu hoặc Liên khu một Sở Tư pháp. Ban Tư pháp xã gồm Ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã kiêm cả việc tư pháp.

    2. Tổ chức pháp chế trong giai đoạn 1960 - 1981

   Từ năm 1960, sau khi Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trở thành hai hệ thống độc lập tách khỏi Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho các cơ quan khác nhau. Bộ Tư pháp bị giải thể và thành lập Vụ Pháp chế Thủ tướng Phủ (nay là Văn phòng Chính phủ), đảm nhận công tác giúp Chính phủ xây dựng pháp luật về kinh tế và hành chính.

   Ngày 14/9/1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết số 223-NQ/QH-K4 về việc thành lập Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Uỷ ban Pháp chế có chức năng quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế là Ông Trần Công Tường (1972 - 1978), Ông Nguyễn Ngọc Minh (1978-1979) và Ông Trần Quang Huy (1979 - 1981).

   3. Ngành Tư pháp từ khi tái thành lập đến nay (1981- 2018)

  * Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 143/HĐBT về thành lập Bộ Tư pháp với chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân địa phương và quản lý nhà nước các công tác tư pháp khác (luật sư, công chứng, giám định, ...), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thời kỳ này là đồng chí Phan Hiền.

   Đối với địa phương: Ngày 21/6/1988, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 463-TCCB quy định tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Tư pháp địa phương, theo đó hệ thống cơ quan Tư pháp địa phương gồm: Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; Ban Tư pháp ở cấp huyện (sau đó chuyển thành Phòng Tư pháp); Ban Tư pháp ở cấp xã.

   * Năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới được Quốc hội thông qua, khẳng định đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP ngày 4/6/1993 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giai đoạn này là đồng chí Nguyễn Đình Lộc.

   Cơ quan tư pháp địa phương cũng được củng cố lại ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương được quy định tại Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

   * Để phù hợp với vị trí của Bộ Tư pháp trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giai đoạn này là Đồng chí Uông Chu Lưu (nay giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội).

   * Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-TP-NV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó Ngành Tư pháp được giao thêm nhiều trọng trách mới như: Kiểm soát thủ tục hành chính; theo dõi thi hành pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước... Cục Kiểm soát TTHC được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp quản lý.

   Bộ trưởng Bộ Tư pháp giai đoạn này là đồng chí Hà Hùng Cường.

   * Thực hiện Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ, Cục Kiểm soát TTHC được chuyển từ Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ từ tháng 12/2016.

   * Ngày 16/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013). Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp có thay đổi: Không còn chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC. Cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm 01 tổng cục, 11 cục, 10 vụ và tương đương, 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các đơn vị sự nghiệp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (Cục Kiểm soát TTHC đã chuyển về Văn phòng Chính phủ từ tháng 12/2016). Vụ Kế hoạch - Tài chính được tổ chức lại thành Cục Kế hoạch - Tài chính. Cơ cấu tổ chức của các cục, vụ có từ 02 - 05 phòng.

   Từ tháng 4/2016 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là đ/c Lê Thành Long.  

Phần thứ hai

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TƯ PHÁP LẠNG SƠN

   1. Quá trình ra đời và phát triển của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn

  * Ngày 22/02/1982, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 72/UB-QĐ-TC thành lập Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở  cơ cấu tổ chức của Ban pháp chế tỉnh. Cơ cấu tổ chức của Sở có 5 phòng gồm: Phòng Nghiên cứu tuyên truyền và giáo dục pháp luật; Phòng Tổ chức cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng; Phòng quản lý Toà án và các tổ chức tư pháp khác; Phòng quản lý công tác chấp hành án; Văn phòng. Đồng chí Nông Ngọc Tuỳ là Giám đốc Sở.

   Thời gian tiếp theo, hoạt động của Sở Tư pháp Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1988, thực hiện Đề án về cải tiến tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Tư pháp, biên chế của Sở Tư Pháp còn 14 người được tổ chức thành Ban giám đốc; Phòng Hành chính - Quản trị; các Chuyên viên - Cán sự (làm việc theo chế độ chuyên viên). 

   * Thực hiện Thông tư liên bộ số 12-TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn dần được củng cố, tăng cường, như: UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng Thi hành án dân sự ở cấp tỉnh và Đội thi hành án dân sự ở 11/11 huyện, thị xã; thành lập, tổ chức lại các Phòng thuộc Sở, bao gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Tổ chức quản lý Tòa án - Thi hành án; Phòng Tư pháp khác; Phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật - Văn bản pháp quy; tiếp nhận Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Lạng Sơn là đơn vị thuộc UBND tỉnh thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (năm 1996); thành lập Thanh tra Sở (năm 1997); thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước (năm 1998).

   * Năm 2002, thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Sở Tư pháp đã bàn giao công tác quản lý về tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện cho Tòa án nhân dân tỉnh quản lý.

   * Năm 2003, UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng Văn bản pháp quy và Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật trên cơ sở tách từ Phòng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật - Văn bản pháp quy; đổi tên Phòng Tổ chức quản lý Tòa án - Thi hành án thành phòng Tổ chức - Nhân sự; Phòng Quản lý tư pháp khác thành Phòng Hộ tịch - Bổ trợ tư pháp.

   * Thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 18/8/2005 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có 06 phòng gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Tổ chức - Nhân sự; Phòng Hộ tịch - Bổ trợ tư pháp; Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; Phòng Văn bản pháp quy; 03 đơn vị trực thuộc gồm: Phòng Công chứng Nhà nước số 1; Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước; Phòng Thi hành án dân sự tỉnh.

   * Năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1160/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, theo đó, Sở Tư pháp có 06 phòng và tương đương, gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Văn bản pháp quy; Phòng Kiểm tra VBQPPL; Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật.

   *  Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở được thành lập theo Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 23/6/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh.

  * Thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 04/9/2009 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Cơ cấu tổ chức của Sở gồm 07 phòng và tương đương: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Văn bản pháp quy, Phòng Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản; Phòng Công chứng số 1.

   * Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Sở Tư pháp thực hiện bàn giao công tác tổ chức cán bộ thi hành án (trước đây thực hiện theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) sang cho Cục Thi hành án dân sự quản lý.

   * Thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về kiểm soát Thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 21/6/2013 về việc chuyển giao phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Tư pháp.

  Thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, theo đó, Sở Tư pháp có 35 nhiệm vụ, quyền hạn . Cơ cấu tổ chức của Sở gồm Lãnh đạo Sở; 08 tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ (Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính; Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp); 03 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở (Phòng Công chứng số 1; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản).

   * Thực hiện Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 53/2017/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 22/8/2015 của UBND tỉnh và thực hiện bàn giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế của Phòng Kiểm soát TTHC sang Văn phòng UBND tỉnh kể từ ngày 01/10/2017.

   * Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ bẩy, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 16/11/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Sở, trình UBND tỉnh phê duyệt.

   Trên cơ sở đó, Sở đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 30/01/2018 về việc sửa đổi một số nội dung của Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND. Sở Tư pháp đã thực hiện đổi tên, sáp nhập, giải thể một số phòng chuyên môn: Đổi tên Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật” thành “Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật”; sáp nhập các phòng: “Phòng Hành chính tư pháp”, “Phòng Bổ trợ tư pháp” thành “Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp”; giải thể “Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật” (chuyển chức năng, nhiệm vụ về quản lý xử lý vi phạm hành chính cho Thanh tra Sở thực hiện; chuyển chức năng, nhiệm vụ về theo dõi thi hành pháp luật cho Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật thực hiện);sắp xếp lại đội ngũ công chức các phòng thuộc Sở  từ ngày 10/02/2018.

  Về biên chế: Năm 2018, Sở Tư pháp được giao 32 biên chế hành chính, 04 hợp đồng theo Nghị định số 68; 28 biên chế sự nghiệp (Phòng Công chứng số 1 là đơn vị tự chủ kinh phí chi thường xuyên nên không được giao biên chế), 04 hợp đồng theo Nghị định số 68 tại các đơn vị sự nghiệp.

   Biên chế có mặt đến nay là 69 người, gồm: 31/32 biên chế hành chính, 04 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. 33 người làm việc tại 03 đơn vị sự nghiệp, 01 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

   Về trình độ: 52/64 công chức, viên chức của Sở có trình độ Đại học luật; 04 thạc sỹ luật, 02 thạc sỹ chuyên ngành khác; 06 công chức, viên chức có trình độ chuyên ngành khác (05 đại học chuyên ngành kế toán, 01 trung cấp văn thư). 11 trường hợp có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

    Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp hiện nay có độ tuổi trung bình trẻ; đội ngũ cán bộ được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản về trình độ; có năng lực và nhiệt tình, tâm huyết với công tác Tư pháp.

    Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, mặc dù chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn có nhiều thay đổi, nhưng trong bất kỳ thời điểm nào, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn luôn tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh trên tất cả các lĩnh vực công tác như: Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; công chứng; trợ giúp pháp lý đấu giá tài sản… Hàng năm, Sở Tư pháp đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh giao. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; đóng góp vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

    Từ khi thành lập đến nay, Sở Tư pháp đã được các cấp có thẩm quyền tặng nhiều phần thưởng cao quý, như 03 lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 1997, năm 2000, năm 2015); 03 lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (năm 2010, năm 2014, năm 2015); 01 lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh (năm 2011); hàng chục tập thể các phòng, đơn vị được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và UBND tỉnh. Về cá nhân: Có 02 đ/c nguyên là Giám đốc Sở được tặng và truy tặng Huân chương lao động hạng 3; 07 lượt cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp hoặc Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; hàng trăm lượt cá nhân được tặng các hình thức khen thưởng khác.

   2. Quá trình ra đời và phát triển của Phòng Tư pháp cấp huyện

  Theo quy định tại Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng thì ở cấp huyện có Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong địa phương, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND và sự lãnh đạo về nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

   Thực hiện Thông tư số 463-TCCB ngày 21/6/1988 của Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, ở các huyện, thị xã có nhóm Chuyên viên pháp lý trong Văn phòng UBND.

   Thực hiện Thông tư liên bộ số 12 - TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương, Phòng Tư pháp được thành lập ở các huyện, thị trên toàn tỉnh.

   Tuy nhiên, trong một thời gian dài do chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp cấp huyện không được quy định rõ ràng, đội ngũ cán bộ năng lực hạn chế dẫn đến vai trò của Phòng Tư pháp các huyện, thành phố rất mờ nhạt. Thực hiện Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27/3/2001 của Chính phủ về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 57/2001/QĐ-UBND ngày 03/10/2001 về việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, trong đó không quy định có Phòng Tư pháp. Các chức năng của Phòng Tư pháp do Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thực hiện.

   Ngày 29/9/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2004/NĐ-CP quy định tổ chức và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã ra Nghị quyết số 33/2004/NQ-HĐND ngày 16/12/2004 phê chuẩn số lượng cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, trong đó có Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó, các Phòng Tư pháp cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tái lập từ năm 2005 đến nay.

   Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của  Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ, các quy định của pháp luật có liên quan và Hướng dẫn của UBND tỉnh

Phòng Tư pháp 11 huyện, thành phố có mặt 39/46 biên chế. Về trình độ: 31 người có trình độ luật (28 đại học luật, 03 trung cấp luật); còn lại có trình độ chuyên ngành khác.

   3. Ban Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã:

  Theo Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 Hội đồng Bộ trưởng;  Nghị định số 38/CP Ngày 04/6/1993 của Chính phủ; Thông tư liên bộ số 12-TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ thì Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn là cơ quan chuyên môn của UBND  xã, phường, thị trấn, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Tư pháp.

   Theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 05/ 5/2005 Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ thì người giữ chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã làm công tác chuyên môn thuộc UBND cấp xã có trách nhiệm giúp UBND cấp xã quản lý nhà nước về công tác tư pháp trong phạm vi địa phương. Để phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác tư pháp ở cấp xã, UBND cấp xã thành lập Ban Tư pháp gồm có Trưởng ban do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch UBND cấp xã đảm nhiệm, công chức Tư pháp - Hộ tịch và các thành viên kiêm nhiệm khác do UBND cấp xã quyết định.

   Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ, từ năm 2009 đến nay, ở cấp xã không còn Ban Tư pháp mà chỉ có công chức Tư pháp - Hộ tịch, có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh.

   Theo số liệu báo cáo, Toàn tỉnh có mặt 429/445 biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch. Có 422 người có trình độ Trung cấp luật trở lên; 07/429 người chưa có trình độ luật trở (4 người chưa qua đào tạo, 01 người sơ cấp, 02 người trình độ khác).