Tổng kết 15 năm triển khai thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Luật Luật sư được Quốc hội (khóa XI) thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực ngày 01/01/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Sau khi Luật Luật sư được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai quán triệt Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành đến lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Đoàn luật sư tỉnh, các tổ chức hành nghề luật sư, đội ngũ luật sư và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh và chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tổng kết; Sở Tư pháp đã tổ chức hội thảo tổng kết 15 năm triển khai thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh với sự tham dự của đại diện Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, một số Văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh, UBND thành phố Lạng Sơn, các huyện: Hữu Lũng, Cao Lộc...
Ảnh: Hội thảo tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Sau 15 năm thi hành Luật Luật sư, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, công tác luật sư trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, có sự phát triển về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Số vụ việc có luật sư tham gia trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử ngày càng tăng, chất lượng bào chữa của luật sư được nâng cao; hoạt động tham gia giải quyết tranh chấp thương mại và hòa giải thương mại của luật sư có sự phát triển. Đa số luật sư đều có ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nội quy của Đoàn Luật sư... Hoạt động hành nghề của luật sư góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đương sự; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật khách quan của nhiều vụ án, bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thi hành Luật Luật sư đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đội ngũ luật sư hành nghề, góp phần bảo vệ thiết chế xã hội chủ nghĩa, quyền lợi chính đáng của Nhà nước và Nhân dân.
Đoàn Luật sư tỉnh Lạng sơn hiện có 48 luật sư, 26 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó 90% thành viên của Đoàn Luật sư là cán bộ, công chức của ngành công an, kiểm sát, tòa án đã nghỉ hưu chuyển sang hành nghề luật sư; hàng năm luật sư đều tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp; tỉnh Lạng sơn hiện không có luật sư nước ngoài hành nghề và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Hoạt động hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư trong 15 năm qua đã có những bước chuyển biến tích cực tăng cả về số lượng và chất lượng vụ việc. Trong 15 năm, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện trên 4.822 vụ việc dịch vụ pháp lý các loại; tổng doanh thu là 4.438.027.600 đồng; số thuế đã nộp ngân sách 33.468.000 đồng. Số vụ án, vụ việc có luật sư tham gia tăng qua các năm. Từ năm 2007 đến năm 2022, trong giai đoạn điều tra, số vụ án có luật sư tham gia là 2.168/12.150 vụ (chiếm tỷ lệ 17,8%); giai đoạn tuy tố, số vụ án có luật sư tham gia là 2.809/12.513 vụ (chiếm 22,4%); giai đoạn xét xử, số vụ án có luật sư tham gia là 2.784/32.573 vụ (chiếm 8,5%) .
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế và những khó khăn vướng mắc trong công tác luật sư như: Số lượng tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ số vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư còn thấp; Vai trò tự quản của Đoàn Luật sư chưa cao, còn có luật sư có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đoàn Luật sư chưa phát huy được tính chủ động trong việc tham mưu, đề xuất các nội dung công việc của Đoàn. Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác của Đoàn còn hạn chế; Chất lượng luật sư nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao; còn có luật sư tranh tụng không đúng thực tế vụ án, tham gia vào các vụ án hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định còn mang tính hình thức; luật sư không tham gia hết các thủ tục của phiên tòa hoặc tự ý bỏ về khi Hội đồng xét xử vào nghị án, vắng mặt khi tuyên án... ảnh hưởng đến công tác xét xử và tính trang nghiêm của phiên tòa; Một số cá nhân không phải luật sư nhưng lợi dụng một số quy định của pháp luật về ủy quyền trong Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan để ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng dịch vụ với người dân để hỗ trợ pháp luật, tham gia tố tụng mà không có cơ chế theo dõi, giám sát hoạt động, khó khăn trong quản lý.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật có liên quan đến công tác luật sư chưa đầy đủ, Trình độ chuyên môn của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, năng lực, kinh nghiệm hoạt động của một số luật sư chưa ngang bằng với luật sư tại các địa phương khác nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội; thói quen, ý thức người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư chưa cao nên số lượng vụ việc có luật sư tham gia chiếm tỷ lệ thấp.
Thông qua tổng kết đã đề ra một số giải pháp để phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới như: Tiếp tục cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các quan điểm chỉ đạo “Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư”; Nâng cao tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về luật sư với pháp luật có liên quan, đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi để tạo lập sự bình đẳng giữa người tiến hành tố tụng và luật sư trong các giai đoạn tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư; Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, phát huy tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các Đoàn Luật sư, nhất là những Đoàn Luật sư phát triển, có nguồn nhân lực chất lượng cao; Thường xuyên mở rộng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật quốc tế… cho đội ngũ luật sư; Có định hướng phát triển tổ chức hành nghề luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, vững kiến thức pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, có khả năng tham gia tranh tụng, đàm phán các vụ việc có yếu tố nước ngoài, đáp ứng nhu cầu pháp lý ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Thực hiện các hoạt động hướng nghiệp nhằm giúp sinh viên ngành Luật có định hướng trở thành luật sư trong tương lai; khuyến khích luật sư trẻ gia nhập Đoàn Luật sư, đăng ký hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh./.
Lương Hoài