Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp
Ngày 25/11/2024, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp.
Mã số chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp
Thông tư nêu rõ, mã số chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp gồm:
Viên chức lý lịch tư pháp hạng I - Mã số: V.01.01.01.
Viên chức lý lịch tư pháp hạng II - Mã số: V.01.01.02.
Viên chức lý lịch tư pháp hạng III - Mã số: V.01.01.03.
Viên chức lý lịch tư pháp phải tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Luật
Thông tư nêu rõ, tiêu chuẩn chung về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức lý lịch tư pháp: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Luật; có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp lý lịch tư pháp theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp.
Viên chức lý lịch tư pháp phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp bao gồm: Có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, tận tụy với công việc; thực hiện đúng quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, phải tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, viên chức lý lịch tư pháp phải chủ động, sáng tạo đề xuất giải pháp, sáng kiến trong công tác lý lịch tư pháp và đáp ứng tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.
Nhiệm vụ, tiêu chuẩn của Viên chức lý lịch tư pháp
Thông tư quy định nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng III, hạng II và hạng I.
Trong đó, viên chức lý lịch tư pháp hạng III có nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, phân loại, xử lý, cung cấp, rà soát thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu để cấp Phiếu lý lịch tư pháp; lập, lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy; thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, tham gia hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; tham gia góp ý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy định, quy chế, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp...
Nhiệm vụ của Viên chức lý lịch tư pháp hạng II là kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Viên chức lý lịch tư pháp hạng III theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; đề xuất việc chỉnh sửa, hủy bỏ dữ liệu, thông tin có sai sót, đề xuất việc cấp, từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lý lịch tư pháp đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng III và cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tham mưu, đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; tham gia biên soạn, xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ lý lịch tư pháp; tham gia nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên; tham gia xây dựng, soạn thảo đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; tham gia giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lý lịch tư pháp…
Viên chức lý lịch tư pháp hạng I có nhiệm vụ: Chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; kiểm tra, kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III theo sự phân công của cấp có thẩm quyền; chủ trì hoặc chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lý lịch tư pháp, xây dựng tài liệu, nội dung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, Viên chức lý lịch tư pháp hạng III.
Viên chức lý lịch tư pháp hạng I chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản, quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về lý lịch tư pháp; chủ trì biên soạn, xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; chủ trì nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên…
Thông tư nêu rõ, Viên chức lý lịch tư pháp phải nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác lý lịch tư pháp; có kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ quy định trên…
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2025.
Tô Thị Huệ