Quy định về mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Ngày 28/11/2024 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15 và Luật Phòng, chống mua bán người số 53/2024/QH15. Hai Luật này đã mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý như sau:
- Về Luật Tư pháp người chưa thành niên
Khoản 6 Điều 177 (Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của luật có liên quan) sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14, như sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
5. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phạm nhân.”
b) Bãi bỏ điểm đ khoản 7”.
Như vậy, so với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành (chỉ có người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoản 5 Điều 7) và bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có khó khăn tài chính (điểm đ khoản 7 Điều 7) được trợ giúp pháp lý) thì Luật Tư pháp người chưa thành niên đã điều chỉnh thành 08 diện (đối tượng) được trợ giúp pháp lý.
- Về Luật Phòng, chống mua bán người
Điều 61 Luật Phòng, chống mua bán người bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 như sau:
“1. Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 như sau:
6a. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người”.
2. Bãi bỏ điểm g khoản 7”.
Theo quy định này, Luật Phòng chống mua bán người các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm: (i) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; (ii) Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; (iii) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước; (iv) Người dưới 18 tuổi ở trong nước đi cùng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
Như vậy, so với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành (chỉ có nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính (điểm g khoản 7 Điều 7) mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý) thì Luật Phòng, chống mua bán người đã bỏ điều kiện “có khó khăn về tài chính” của nạn nhân bị mua bán và bổ sung thêm các đối tượng nêu trên.
Như vậy, trên cơ sở quy định của các luật trên thì diện đối tượng được trợ giúp pháp lý đã mở rộng hơn, từ 14 diện người lên 28 diện người.
Cụ thể các diện được trợ giúp pháp lý sẽ bao gồm:
1) Người có công với cách mạng.
2) Người thuộc hộ nghèo.
3) Trẻ em.
4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác.
6) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị kiến nghị khởi tố.
7) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
8) Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là người bị buộc tội.
9) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại.
10) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người làm chứng.
11) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
12) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là phạm nhân.
13) Nạn nhân của hành vi mua bán người là công dân Việt Nam.
14) Nạn nhân của hành vi mua bán người là người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
15) Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân của hành vi mua bán người là công dân Việt Nam.
16) Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân của hành vi mua bán người là người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
17) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người là công dân Việt Nam.
18) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người là người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.
19) Người dưới 18 tuổi đi cùng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người là công dân Việt Nam.
20) Người dưới 18 tuổi đi cùng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người là người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam
21) Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam được trợ giúp pháp lý theo quy định của Điều ước Quốc tế.
22) Người bị buộc tội hộ cận nghèo.
23) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính.
24) Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính.
25) Người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
26) Người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
27) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính.
28) Người bị nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Việc mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý vừa đáp ứng thực tiễn nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, không có khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý có thu phí, kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin của người dân về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.
Hoàng Thị Hải
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước,
Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn