Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tư Pháp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản

Chiều ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản. Hội thảo nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc trình dự thảo Chỉ thị trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan tố tụng, đơn vị giám định, các chuyên gia pháp lý, và đại diện một số địa phương trên cả nước.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành hệ thống pháp luật về hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản nói riêng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan tư pháp đã từng bước nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản, góp phần tích cực cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: thiếu đội ngũ giám định viên chuyên sâu, chậm trễ trong việc cung cấp kết quả giám định, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, và đặc biệt là tâm lý e ngại trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, định giá. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản còn hạn chế, có nội dung còn bất cập, tính ổn định, khả thi chưa cao, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, hoạt động tư pháp.

Trước yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trên cơ sở đó, việc ban hành Chỉ thị lần này là rất cần thiết để tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng; đồng thời nâng cao trách nhiệm chính trị của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn xã hội.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện địa phương có đồng chí Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, công tác giám định, định giá tài sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua luôn có sự phối hợp tốt giữa cơ quan tố tụng và cơ quan định giá tài sản. Các nội dung định giá tài sản đảm bảo đúng nội dung cần định giá để làm căn cứ giải quyết tin báo, vụ án. Kết luận định giá tài sản của cơ quan định giá tài sản đều cơ bản đảm bảo về thời gian và nội dung yêu cầu. Kết luận giám định khách quan đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng sớm xác định được sự thật của vụ án, làm cơ sở để đưa ra được những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đáng kể vào quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự và những hành vi vi phạm pháp luật khác, tiết kiệm cả về nhân lực, vật lực cho Nhà nước và nhân dân.

Ảnh: đồng chí Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tham gia ý kiến tại Hội thảo

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định, định giá tài sản; các sở, ngành và UBND cấp xã chỉ đạo, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá tài sản; quan tâm củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề về giám định, định giá tài sản đối với hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác giám định, định giá tài sản; tăng cường công tác tuyên truyền xã hội hóa công tác giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị thực tiễn cao từ các Bộ, ngành và địa phương nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc trình dự thảo Chỉ thị trong thời gian tới như: việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định giá tài sản dùng chung toàn quốc; Ban hành bộ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về giám định tư pháp; Bổ sung chế tài xử lý tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện giám định không có lý do chính đáng; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định, định giá tại địa phương…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp cho hồ sơ Chỉ thị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi khẳng định cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và phối hợp với Bộ Tài chính, với các cơ quan chức năng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án và dự thảo Chỉ thị để trình sớm theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Ảnh: Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận tại Hội thảo

Cơ quan chủ trì sẽ bám sát đường lối, chủ trương và quan điểm chỉ đạo để đề xuất những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp cần đưa vào Chỉ thị. Trong đó, xác định rất rõ về nhận thức, về trách nhiệm của lãnh đạo, của các cấp ủy trong lãnh đạo toàn diện đối với hai công tác này. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện về thể chế.

Cũng theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang tiến hành triển khai xây dựng Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt là sẽ quan tâm công tác tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hai công tác này để tổng hợp và hoàn thiện Đề án, dự thảo Chỉ thị, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành trình Bộ Chính trị đúng như kế hoạch đề ra./.

Tô Hoàng Hợi - Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn