Kết quả kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2024
Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT) và Kế hoạch công tác năm 2024, của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập 03 Đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng năm 2024, Đoàn Kiểm tra số 1 do ông Nguyễn Quang Huyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn – Kiểm tra tại Công an huyện Bình Gia; Đoàn Kiểm tra số 2 do bà Nguyễn Thúy Liễu, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn – Kiểm tra tại Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Lạng Sơn; Đoàn Kiểm tra số 3 do ông Phạm Văn Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn – Kiểm tra tại Tòa án nhân dân huyện Tràng Định.
Nội dung kiểm tra đánh giá kết quả phối hợp của các ngành thành viên theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, thực hiện kiểm tra công tác triển khai Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân (đối với Tòa án), công tác trực TGPL trong điều tra hình sự (đối với Công an).
Các buổi làm việc tại cấp huyện, Đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra đã thực hiện việc mời đồng chí đại diện thường trực huyện ủy tham dự.
Tại các buổi làm việc, Đoàn Kiểm tra đã nghe báo cáo của đơn vị được kiểm tra, trực tiếp kiểm tra việc niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý, kiểm hồ sơ tố tụng, công tác thống kê, vào sổ theo dõi tại các đơn vị. Đồng thời, cùng trao đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khi triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT.
03 Đoàn kiểm tra đã hoàn thành việc kiểm tra trước ngày 30/11/2024 và báo cáo kết quả về Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn.
Qua kiểm tra, kết quả như sau:
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và Quy chế phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-HĐPHLN ngày 31/01/2019 của Hội đồng phối hợp liên ngành tại từng cơ quan; Phối hợp tốt với Trung tâm TGPL nhà nước trong niêm yết, lắp đặt, thay thế Bảng thông tin, Tờ thông tin, Hộp tin TGPL đúng quy định, đặt ngay tại vị trí gần cửa ra vào của Trụ sở làm việc, chỗ nhiều người qua lại, dễ nhìn thấy nhất; Công tác giải thích, thông báo, thông tin về TGPL trong hoạt động tố tụng đã được triển khai thực hiện tương đối nề nếp; Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định về đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL trong việc tham gia các hoạt động tố tụng, tiếp xúc với người được TGPL; Việc giao văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL, đảm bảo cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ theo quy định; Đã thực hiện thống kê, vào sổ theo dõi theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT; Thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo.
Hình ảnh Đoàn kiểm tra tại Công an huyện Bình Gia
Tuy nhiên cũng còn tồn tại những hạn chế và khó khăn vướng mắc, như sau:
Còn một số người tiến hành tố tụng, cán bộ tại các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự nắm chắc các quy định về công tác phối hợp TGPL, còn gặp lúng túng việc áp dụng các quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, chưa hướng dẫn người được giải thích về quyền TGPL điền đầy đủ các thông tin vào các biểu mẫu TGPL hoặc có trường hợp thực hiện thêm các bước không cần thiết, tại Công an huyện Bình Gia và Tòa án nhân dân huyện Tràng Định còn có một số ít vụ việc có trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL nhưng đơn vị chưa thực hiện việc thông tin cho Trung tâm TGPL nhà nước theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT.
Công an huyện Bình Gia còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, giải thích về quyền TGPL như sau: Đặc điểm huyện Bình Gia đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Trong công tác điều tra tố tụng hình sự, Công an huyện Bình Gia đã giải thích cho họ quyền được TGPL miễn phí nhưng do tâm lý e ngại nên họ không yêu cầu TGPL dẫn đến số người được TGPL đạt tỷ lệ thấp so với số người thuộc diện được TGPL (17/91). Ngoài ra, do đặc điểm địa bàn vẫn có nhiều người không biết đọc, biết viết, khi tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng, Cơ quan tiến hành tố tụng phải mời người chứng kiến, người của các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội để tham gia chứng kiến để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, quá trình tiến hành tố tụng thường thực hiện trong thời gian dài, ở nhiều địa điểm khác nhau dẫn đến việc mời người chứng kiến còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Lạng Sơn cũng nêu ra ra khó khăn là: Do các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính chỉ được chuyển đến Viện Kiểm sát trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử, khi nhận được hồ sơ Kiểm sát viên nghiên cứu mới kiểm sát được việc việc thực hiện giải thích TGPL cho các đương sự nên chưa đảm bảo kịp thời.
Công tác kiểm tra góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các ngành thành viên thực hiện tốt công tác phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-HĐPHLN ngày 31/01/2019 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn.
Kết luận buổi kiểm tra, các Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT trong nội bộ cơ quan, đơn vị; Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổ chức các Hội nghị tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Tạo sự hiểu biết chung về vai trò của Trung tâm TGPL để các cán bộ hiểu rõ hơn về nhiệm vụ TGPL và cách thức phối hợp hiệu quả với các người thực hiện TGPL. Tăng cường công tác chỉ đạo quán triệt Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT đến các cán bộ, đơn vị thuộc đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm trong hoạt động phối hợp và giúp người dân tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý để hiện thực hóa quyền được trợ giúp pháp lý của mình đã được pháp luật quy định, từ đó góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được TGPL, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng vụ Nhân dân tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng điều tra, chất lượng trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân./.
Hoàng Thị Hải
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước,
Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn