Quy định xử lý hành vi quấy rối tình dục
Quấy rối tình dục (QRTD) là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào mà chưa được sự chấp thuận, làm gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: hành động, lời nói, hình ảnh,...và có thể xảy ra ở bất cứ đâu như: nơi công cộng, nơi làm việc hoặc trên phương tiện thông tin. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi QRTD sẽ bị xử phạt như sau:
1. Xử phạt hành chính
1.1. Tại điểm d, khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi QRTD bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;
- Buộc xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu;
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ Luật lao động 2019 trong quá trình làm việc mà người lao động bị “quấy rối tình dục” thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
1.3. Tại điểm g khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì hành vi QRTD có bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi QRTD chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác, thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, với hình phạt cụ thể như sau:
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi QRTD còn có thể phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo quy định tại Điều 952 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định./.
Dương Công Luyện