Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn tổ chức điểm cầu thành phần trong phiên tòa xét xử trực tuyến
Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp hướng dẫn về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến (Sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT), căn cứ Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2005/QĐXXST-HS ngày 07/02/2025 của Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở đề xuất của bị hại trong vụ án (là người được trợ giúp pháp lý) và đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Để đảm bảo thuận tiện việc tham gia phiên tòa trực tuyến theo quy định, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp, đề xuất Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng xem xét, cho phép tổ chức điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí tại Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn để tham gia phiên tòa ngày 17/02/2025, do Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng mở xét xử sơ thẩm công khai, theo hình thức trực tuyến đối với bị cáo: H.V.H bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Phiên tòa diễn ra tại 03 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng; 01 điểm cầu thành phần tại Nhà Tạm giữ Công an huyện Chi Lăng và 01 điểm cầu thành phần Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí tại Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn. Tại điểm cầu trung tâm thành phần tham gia gồm có Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án, Luật sư bào chữa cho bị cáo và người liên quan của bị cáo; tại điểm cầu thành phần tại Nhà Tạm giữ Công an huyện Chi Lăng thành phần gồm có bị cáo; tại điểm cầu thành phần Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước có bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
Ảnh chụp 03 điểm cầu trong phiên tòa trực tuyến |
Điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn bố trí đã đảm bảo việc kết nối trực tuyến giữa các bên liên quan, việc tổ chức điểm cầu thành phần diễn ra hiệu quả, bảo đảm việc xét xử trực tuyến được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, và tuân thủ quy định pháp luật.. Người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã hỗ trợ người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình tham gia phiên tòa.
Ảnh Luật sư Nguyễn Thanh Huyền – Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại phát biểu quan điểm tại điểm cầu thành phần Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
Phiên tòa diễn ra đảm bảo đúng các quy trình tố tụng và quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Những người tham gia tố tụng có mặt đầy đủ, đúng giờ, đường truyền kết nối giữa điểm cầu trung tâm và 02 điểm cầu thành phần đảm bảo và không bị gián đoạn về âm thanh, hình ảnh. Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu trữ lại, tạo điều kiện cho tòa án và các cấp có thẩm quyền giám sát, theo dõi, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được đảm bảo đầy đủ như phiên tòa trực tiếp.
Một số hình ảnh tại điểm cầu thành phần Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
Được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, phiên tòa đã tạo ra cơ hội thuận lợi để các bên tham gia gồm và các cơ quan tố tụng, bị cáo, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ, người liên quan có thể kết nối từ xa mà không cần phải di chuyển đến tòa án. Việc tổ chức phiên tòa theo hình thức này nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời đảm bảo công tác xét xử diễn ra thuận lợi kể cả trong bối cảnh dịch bệnh hoặc những điều kiện đặc biệt. Bên cạnh đó, phiên tòa cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong ngành tư pháp, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công./.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn