Vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý là chức danh nghề nghiệp đặc thù, là những người thực hiện trợ giúp pháp lý được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý khi đạt tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý
Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý: Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ cử nhân luật trở lên; Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động trợ giúp pháp lý
* Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý là người trực tiếp thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, cụ thể:
- Tham gia tố tụng với tư cách pháp lý là:
+ Người bào chữa cho người bị buộc tội;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại;
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính;
- Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
1. Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động Tư vấn pháp luật:
Tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn họ vận dụng đúng pháp luật trong vụ việc trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thường xuyên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, cung cấp các nội dung pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu tìm hiểu, giải đáp những vướng mắc trong các vụ việc, hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong đời sống xã hội, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Khi có yêu cầu tư vấn pháp luật của người được TGPL, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.
Tư vấn pháp luật được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, tố tụng hình sự; Dân sự, tố tụng dân sự; hành chính, tố tụng hành chính; Lao động, việc làm; Đất đai, nhà ở; Đất đai, môi trường… trừ lĩnh vực pháp luật có liên quan đến kinh doanh, thương mại.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý cũng được đề cập đến trong Luật Khiếu nại năm 2011. Cụ thể, Điều 12 Luật Khiếu nại quy định: Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng:
Pháp luật tố tụng hiện nay ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý có vị trí, vai trò là người bào chữa, bảo vệ, qua đó tham gia sâu vào các hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý. Hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý được xem là hoạt động trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý.
Một là, trong hoạt động tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của BLTTHS .”
BLTTHS 2015 quy định về Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với các tư cách là:
- Người bào chữa (Điều 72);
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83);
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84).
Trợ giúp viên pháp lý có thể bào chữa, bảo vệ cho nhiều người bị buộc tội, bị hại, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.
Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bào chữa:
Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa khi được người bị buộc tội yêu cầu và được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử tham gia tố tụng. Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được đảm bảo quyền bào chữa ( Điều 58 BLTTHS 2015 ).
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. ( Điều 74 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015)
Quyền của Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bào chữa:
Điều 73 LTTHS 2015 quy định Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa có quyền:
- Gặp, hỏi người bị buộc tội;
- Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
- Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS;
- Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS;
- Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của BLTTHS.
Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:
Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83 BLTTHS) và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84 BLTTHS 2015).
Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử tham gia tố tụng
Điều 83 Bộ luật TTHS 2015 quy định“Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” nhằm tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn tiền tố tụng.
Quyền của Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
Điều 83 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
- Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Quyền của Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
Điều 84 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền:
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Yêu cầu giám định, định giá tài sản;
- Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra;
- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Hình ảnh các Trợ giúp viên/ Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa trong phiên tòa hình sự
Hai là, trong hoạt động tố tụng dân sự
Khoản 3 Điều 9 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm TGPL cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án.
Để bảo đảm nguyên tắc này, BLTTDS 2015 đã quy định một số quy định cụ thể:
- Thẩm phán có trách nhiệm “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL” (Điều 48 BLTTDS 2015).
- Ghi nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75 BLTTDS 2015)
Trong tố tụng dân sự, trợ giúp viên pháp lý tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự, được Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thể hiện qua 3 giai đoạn: giai đoạn trước khi mở phiên tòa, giai đoạn mở phiên tòa, giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa và trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thứ nhất, các quyền chung:
Điều 76 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định quyền của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự:
- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
- Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
-Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng
- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc
- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.
- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
- Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Thứ hai, Trợ giúp viên pháp lý trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án
Thủ tục khởi kiện và thụ lý vụ án đươc quy định tại Điều 186 đến Điếu 202 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Ở giai đoạn này, Trợ giúp viên pháp lý đưa ra lời tư vấn về tính khả thi của vấn đề, yêu cầu của đương sự muốn giải quyết tại Tòa án. Cùng lúc đó, Trợ giúp viên pháp lý kiểm tra, đối chiếu những dữ liệu, tài liệu mà đương sự cung cấp, nghiên cứu và chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để tư vấn cho đương sự một cách giải quyết phù hợp nhất với quy định của pháp luật và tốt nhất cho yêu cầu của đương sự.
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn cho đương sự chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và đơn khởi kiện, cùng đương sự chuẩn bị những tài liệu, điều kiện cần thiết để Tòa án thụ lý vụ việc. Nhiều trường hợp do không chuẩn bị tốt những điều này khiến cho việc thụ lý vụ án khó khăn và phức tạp. Trợ giúp viên pháp lý tham gia ngay từ đầu vụ án sẽ giúp đương sự khắc phục được những hạn chế để đảm bảo quyền khởi kiện, yêu cầu của đương sự.
Thứ ba, quyền trong giai đoạn trước khi mở phiên tòa bao gồm Thủ tục Hòa giải và Chuẩn bị xét xử (quy định từ Điều 203 đến Điều 221 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
- Quyền thu thập chứng cứ
Trợ giúp viên pháp lý được quyền thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ. Trợ giúp viên pháp lý có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự.
- Được thông báo về thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải, xét xử và tham gia việc hòa giải, xét xử:
Thứ tư, quyền trong giai đoạn mở phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được Trợ giúp viên pháp lý thực hiện ở thủ tục: bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi, thủ tục tranh luận tại phiên tòa tại cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Thủ tục bắt đầu phiên tòa
- Trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự đồng thời có quyền thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa
- Trong thủ tục này, Trợ giúp viên pháp lý có quyền trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để giúp đương sự bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác.
- Trợ giúp viên pháp lý có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của BLTTDS.
Thứ năm, quyền tại giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm
Kết thúc phiên tòa cấp sơ thẩm:
Sau khi Tòa tuyên án, Trợ giúp viên pháp lý có quyền đề nghị với Tòa án để nhận được Bản án sơ thẩm, từ đó giúp đương sự nắm bắt được quyền, nghĩa vụ của họ trong bản án và có hướng tư vấn hợp lý, giúp đương sự kháng cáo đúng thời hạn.
Kết thúc phiên tòa cấp phúc thẩm:
Trợ giúp viên pháp lý có quyền đề nghị với Tòa án để nhận được bản án, quyết định phúc thẩm nhằm giúp đương sự nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của họ trong bản án.
Thứ sáu, quyền của Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự tại thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
Tại giai đoạn này, khi có đủ căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Trợ giúp viên pháp lý tư vấn cho đương sự làm đơn đề nghị với người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thông báo với người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Trợ giúp viên pháp lý có quyền thu thập chứng cứ để giúp đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trợ giúp viên pháp lý có mặt tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp được Tòa án triệu tập, được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng Giám đốc thẩm, Hội đồng Tái thẩm yêu cầu.
Ba là, trong hoạt động tố tụng hành chính:
Khoản 3 Điều 19 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án.”
Để bảo đảm nguyên tắc này, Luật Tố tụng hành chính đã quy định một số quy định cụ thể:
- Khoản 6 Điều 38 nêu rõ “Thẩm phán phải có nghĩa vụ giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”;
- Điều 61 Luật tố tụng hành chính đã ghi nhận và quy định vai trò của trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Trong tố tụng hành chính, trợ giúp viên pháp lý tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự, được Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Khoản 6 Điều 61 Luật Tố tụng Hành chính quy định Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hành chính có các quyền sau:
- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng hành chính;
- Thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;
- Tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc trong trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét;
- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Luật này;
- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo trong trường hợp được đương sự ủy quyền và có trách nhiệm chuyển cho đương sự;
3. Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng:
Đại diện ngoài tố tụng là việc Trợ giúp viên pháp lý thay mặt cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.
Việc cử người đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp viên pháp lý tham gia các hoạt động sau để thực hiện hoạt động đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý:
- Gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ; người làm chứng;
- Nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu để thực hiện việc đại diện;
- Xác minh, thu thập tài liệu, đồ vật, chứng cứ, tình tiết liên quan đến việc đại diện;
- Làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Tham gia đại diện trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Ngoài ra, Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về quyền của Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng để tham gia giải quyết khiếu nạị như sau:
- Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại;
- Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền;
- Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại;
- Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước./.
Hoàng Thị Hải
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước,
Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn