Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tư Pháp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung cơ bản của Nghị định 104/2025/NĐ-CP ngày 15/05/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng

Ngày 15/05/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng (sau đây gọi tắt là Nghị định). Trong đó, Nghị định quy định chi tiết 12 điều (khoản 3 Điều 22, Điều 30, Điều 31, Điều 34, khoản 3 Điều 39, Điều 41, khoản 4 Điều 59, Điều 63, Điều 64, khoản 3 Điều 65, Điều 66 và Điều 68), quy định biện pháp để tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành các nội dung tại 19 điều của Luật Công chứng (Điều 8, khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 13, khoản 4 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 4 Điều 17, khoản 3 Điều 19, điểm b khoản 2 và khoản 6 Điều 20, khoản 1 và khoản 5 Điều 23, khoản 3 và khoản 4 Điều 24, khoản 4 Điều 25, khoản 4 Điều 26, khoản 3 Điều 29, điểm d khoản 2 Điều 46, khoản 1 Điều 50, khoản 3 Điều 51, khoản 4 Điều 52, khoản 3 Điều 61 và khoản 2 Điều 62). Một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:

1. Về Cơ sở đào tạo; quy trình bổ nhiệm công chứng viên

Cơ sở đào tạo nghề công chứng là đơn vị có chức năng đào tạo nghề công chứng thuộc Bộ Tư pháp.

Hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên bao gồm các giấy tờ: đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy khám sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

Quy trình bổ nhiệm được thực hiện qua Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp trong thời hạn quy định.

          2. Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng: Phòng công chứng có thể được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc giải thể nếu không đáp ứng điều kiện chuyển đổi.

          Quy trình chuyển đổi bao gồm việc xây dựng Đề án chuyển đổi, lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức liên quan, trình UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt chuyển đổi phòng Công Chứng thành Văn phòng công chứng.

          Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động và pháp luật có liên quan.

Việc xử lý tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đang do Phòng công chứng quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

          Quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương căn cứ theo mức độ tự chủ tài chính: Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2026; Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2027; Đối với các Phòng công chứng không thuộc điểm a và điểm b khoản này: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2028.

          3. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên

Doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng khoản tiền mà tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm bồi thường cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình thực hiện việc công chứng, trừ các trường hợp cố ý vi phạm theo khoản 2, Điều 28 Nghị định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình; Tổ chức hành nghề công chứng và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm nhưng không được thấp hơn 03 triệu đồng một năm cho một công chứng viên. Thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 05 năm kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Số tiền bảo hiểm tối thiểu là 400 triệu đồng và phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

          4. Về Công chứng điện tử:

Nghị định quy định Văn bản công chứng điện tử được tạo lập trực tiếp trên môi trường điện tử theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc trực tuyến được quy định tại Luật Công chứng, Nghị định này và quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

Văn bản công chứng giấy được được chuyển đổi thành văn bản điện tử theo quy định của Luật Công chứng và pháp luật về giao dịch điện tử, có chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng cũng được coi là văn bản công chứng điện tử.

Phạm vi giao dịch được áp dụng công chứng điện tử:  Công chứng điện tử trực tiếp được áp dụng đối với tất cả các giao dịch dân sự. Công chứng điện tử trực tuyến được áp dụng với các giao dịch dân sự, trừ di chúc và giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương khác.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Nghị định thay thế Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng./.

 

Chu Thị Hương