Hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ công tác Xử lý vi phạm hành chính năm 2024
Thực Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 25/01/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn về quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024; Kế hoạch số 77/KH-STP ngày 10/5/2024 của Sở Tư pháp về tập huấn công tác XLVPHC năm 2024; Ngày 31/5/2024, Sở Tư pháp đã tổ chức “Hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ công tác Xử lý vi phạm hành chính năm 2024”. Dự hội nghị có đồng chí Vũ Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp. Tham gia Hội nghị có các đại biểu đại diện cho các cơ quan: Cục Hải quan; Cục quản lý thị trường; Cục Thuế; Công an tỉnh; các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan theo ngành dọc đóng trên địa bàn huyện, thành phố.
Ảnh: Đ/c Vũ Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai 03 chuyên đề: nội dung cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành; Kỹ năng xác định hành vi vi phạm hành chính, xác định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và kỹ năng lập biên bản vi phạm hành chính; Kỹ năng xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong năm 2023, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được triển khai kịp thời; trình tự, thủ tục xử phạt thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Số vụ việc bị xử phạt VPHC là 1.811 vụ; Tổng số đối tượng bị xử phạt là: 1.906 đối tượng gồm: tổ chức 116 đối tượng; cá nhân 1.628 đối tượng; hộ gia đình và cộng đồng dân cư 162 đối tượng. Đã thi hành được 1.816/1.906 quyết định xử phạt VPHC (đạt 95,27%); tổng số tiền phạt thu được là 15.114.654.000 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là: 1.087.767.717 đồng.
Tuy nhiên việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đôi lúc vẫn còn chưa kịp thời; còn có hồ sơ xử phạt chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn quy định; áp dụng không đúng mức phạt tiền, chưa đầy đủ các hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả; có cơ quan, đơn vị tổ chức thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa triệt để, thiếu quyết liệt; kỹ năng tham mưu lập hồ sơ xử phạt VPHC và việc cập nhật, nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý VPHC của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền xử phạt, nhất là ở cấp xã còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong phát hiện, xử lý, tổ chức thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tiễn, nâng cao kỹ năng tham mưu lập hồ sơ, XLVPHC của công chức, viên chức chuyên môn; khắc phục các sai sót, hạn chế thường mắc phải trong thời gian qua.
Ảnh: Đ/c Nguyễn Hoàng Việt – Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý
xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai các chuyên đề
Hội nghị cũng đã dành thời gian để các đại biểu trao đổi, giải đáp những thắc mắc, những vấn đề còn chưa rõ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế. Qua đó, góp phần triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nguyễn Huyền Trang