Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tư Pháp

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số quy định mới theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Một là, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định tài sản đấu giá gồm: Tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá và tài sản không thuộc loại tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá mà cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá. Việc liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá được quy định trên cơ sở cập nhật chính xác và phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó, qua đó, đảm bảo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với các loại tài sản này.

Hai là, Về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản:

Để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp từ đại học trở lên tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định như sau:

- Bổ sung tiêu chuẩn đấu giá viên là người có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng.

- Bỏ quy định về điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 03 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Đấu giá tài sản về thời gian đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên tại Điều 19 về quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (đảm bảo như một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư, công chứng, thừa phát lại).

- Bổ sung quy định về việc không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với người đã bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích; sửa đổi, bổ sung quy định về thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với trường hợp không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm liên tục trừ trường hợp bất khả kháng.

- Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan để tăng cường tính công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc thỏa thuận với người có tài sản đấu giá về việc áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản, được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá đối với tài sản đấu giá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá; được thu, quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục thực hiện việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản (doanh nghiệp đấu giá tài sản thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; thay đổi danh sách đấu giá viên hành nghề trong doanh nghiệp; thay đổi về địa chỉ trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; thay đổi Trưởng chi nhánh...); bổ sung trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm công bố nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

- Bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Ba là, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản như:

- Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản;

- Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó;

- Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản về bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong việc thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá; sửa đổi, bổ sung các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 39 về việc nộp tiền đặt trước, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với các loại tài sản đặc thù.

Năm là, bổ sung mới Điều 43a, 43b về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến. Theo đó, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá, nộp hồ sơ tham gia đấu giá, trả giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến; nộp tiền đặt trước theo quy định; xem tài sản đấu giá trực tuyến hoặc xem tài sản đấu giá trực tiếp theo Quy chế cuộc đấu giá.

Sáu là, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 57 về thông báo công khai việc đấu giá tài sản. Theo đó, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá (giảm 01 lần thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình so với quy định hiện hành) để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, hiệu quả của việc tiếp cận thông tin đấu giá vừa góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.

Bảy là, sửa đổi, bổ sung Điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá vi phạm trường hợp trên./.